Thứ Hai, 1 tháng 12, 2014

Tự đo lường chính mình


Chào các bạn,
Trong vấn đề phát triển sức mạnh nội tâm, chỉ có bạn là biết nội tâm bạn. Chẳng ai khác biết. Dù là thầy có thể biết học trò đã phát triển đến đâu, cái biết đó vẫn không chính xác bằng học trò tự biết mình, với điều kiện là học trò “biết”.
Ta cần nhấn mạnh từ “biết”, vì nhiều người ngớ ngẩn đến nỗi chẳng hề biết mình – tưởng là mình biết mình, trong khi chẳng biết một chút nào, cứ nghĩ mình là thiên thần trong khi mình là khỉ nhảy choi choi.
Cho nên các bạn cần thông minh để tạo ra những cách để mình có thể biết chính mình và có thể đo lường chính mình.
Có một cách rất dễ để tự đo lường chính mình. Chúng ta đã nói “tĩnh lặng trong tất cả mọi hoàn cảnh, đối với tất cả mọi người, về tất cả mọi chuyện.” Tức là, tĩnh lặng vô điều kiện. Luôn tĩnh lặng như… Phật Thích Ca.
Có nghĩa là khi bạn mất tĩnh lặng – stress, nóng giận, lo sợ, bực tức – đó là dấu hiệu rất rõ là nội lực của bạn còn yếu.
Vậy, thay vì cứ suy nghĩ kiểu đang bị chìm đắm như là: hắn nói vậy tồi quá, chị ấy coi thường tôi quá, bực mình quá… tức là suy luận kiểu chìm đắm vào cái tôi, thì bạn chỉ cần nói lên sự thật trong lòng: Tôi đang bị xung động quá đỗi, vậy tôi phải tĩnh lặng lại và dẹp cái tôi sang một bên.
Giản dị có vậy.
Khi bạn mất tĩnh lặng, chỉ có một nghĩa là bạn nội lực còn kém.
Tĩnh lặng là tĩnh lặng vô điều kiện. Và bạn cần tĩnh lặng vô điều kiện để có thể khiêm tốn vô điều kiện, thành thật vô điều kiện, và yêu người vô điều kiện.
Đừng mù lòa với chính trái tim của mình.
Hãy tự biết trái tim của chính mình.
Chúc các bạn luôn tỉnh giác – tỉnh thức và biết rõ.
Mến,
Hoành

Thứ Hai, 28 tháng 7, 2014

Nói về “thị phi” – Làm sao để bình tâm với “thị phi”?

Vì sao người ta sinh ra có 2 tai, 2 mắt mà chỉ có một cái miệng? Đó là bởi vì con người cần nghe và nhìn nhiều hơn nói. Người xưa có câu: “Bệnh từ miệng mà vào, họa từ miệng mà ra.” Ấy vậy mà ít ai chịu hiểu, thậm chí họ còn dùng tai, dùng mắt để hỗ trợ cho cái miệng liên tục “phát thanh”. Nói nhiều cũng không phải cái gì tệ lắm, khổ một nỗi là người ta không kiểm soát cái “nói” của họ cho tốt nên tạo thành biết bao chuyện “thị phi” làm khổ bản thân và người xung quanh.

Thị phi là gì?

Thị phi hiểu đơn giản là dư luận, là lời đồn. Trong đó tiếng Hán Việt thì “thị” là đúng, “phi” là sai, “thị phi” đi chung với nhau ý muốn nói miệng đời không lường được, ai muốn nói đúng nói sai thế nào thì nói. Trong bài viết này tôi tạm hiểu thị phi là lời lẽ dành cho một người từ phía những người khác nhau trong xã hội.


Có mấy loại thị phi?

  1. Nói quá: Loại này thường gặp nhất, cùng với tư tưởng “không có lửa làm sao có khói” và tinh thần “tam sao thất bản” nên sau vài lần truyền miệng cho nhau thì “sự thật” trở nên vô cùng to lớn và nguy hiểm. Ví dụ: người A thấy cô Y về nhà lúc 11h đêm, gặp người B nói: “Dạo này con Y hay đi đâu về khuya lắm, có hôm 1 giờ sáng mới mò về.” Xong người B gặp người C nói: “Con Y giờ ăn chơi nhậu nhẹt dữ quá, khuya lơ khuya lắc mới về nhà.” Người C lại nói với người D: “Con Y hư hỏng thật rồi, bỏ nhà đi mấy hôm mới về đấy!”….(truyện dài kỳ, thôi không kể nữa)
  2. Đặt điều nói xấu: Loại này ít hơn, nhưng cũng ác hơn! Thường là họ ghen tức một điểm gì đó ở đối tượng nên tìm cách bôi nhọ cho thỏa lòng, họ sẽ đặt ra một số “giả thuyết” và suốt ngày nói về nó kiểu: “Không làm gì bất chính làm sao giàu thế được” hay “Nhìn nó xinh vậy chứ ai biết nó che dấu chuyện gì, hôm nọ tôi thấy @$@$@%…”
  3. Châm chích quá khứ của người khác: Loại này là ác nhất. Họ nói những chuyện có thật, nhưng đó là những lỗi lầm của đối tượng trong quá khứ. Chuyện đã qua rồi nhưng họ cứ nhai đi nhai lại, hiện tại người ta đã thay đổi nhưng với họ thì người đó vẫn xấu xa và họ muốn cả thế giới biết điều đó. Có vẻ như người khác tốt lên thì họ không cam tâm vậy.
Như 3 loại tôi vừa kể trên là những loại thị phi từ những kẻ vô tri cho đến kẻ xấu, có thể còn một số loại khác nữa.

Làm sao để bình tâm với thị phi?

  1. Tuyệt đối đừng tranh cãi, thanh minh với những người cố tình đặt điều nói xấu bạn, điều đó chỉ tạo thêm hứng thú cho họ mà thôi. Càng nói nhiều sẽ càng xuất hiện nhiều điểm sai lầm để cho họ phanh phui, mổ xẻ. Hơn nữa những người ngoài cuộc cũng sẽ bắt đầu nghi ngờ bạn.
  2. Im lặng, phớt lờ: đây là giải pháp được khá nhiều người lựa chọn, và nó cũng hữu hiệu trong khá nhiều trường hợp, nhưng không phải là giải pháp ổn thỏa và lâu dài. Hãy tưởng tượng giống như bạn mặc áo mưa và đi trong mưa vậy, dù áo mưa có tốt cỡ nào nhưng nếu bạn đi lâu, thật lâu trong mưa thì vẫn lạnh và ướt. Im lặng và nhẫn nhịn với những cơn mưa nhỏ thôi.
  3. Giải pháp hữu hiệu nhất nhưng cũng khó khăn nhất là thông cảm: đây cũng giống như việc mua một cái áo mưa và mua một cái nhà để che mưa vậy, nhưng nếu bạn mua được cái nhà thì sẽ không còn sợ mưa gió nữa, lúc đó bạn có thể thoải mái ngồi ngắm mưa. Khi có người công kích, nói xấu bạn, trước hết hãy dành thời gian nhìn lại bản thân mình theo những gì người đó nói, có bao nhiêu phần trăm là đúng. Đừng tức giận, bỏ quên người nói đó đi và tập trung tìm hiểu bản thân bạn, như vậy vừa lợi vừa không tức giận. Bước tiếp theo là thông cảm cho người nói xấu mình: tại sao họ phải làm điều đó? Họ tức giận như thế nào, họ được giáo dục ra sao? Nói vậy thì có lợi, có hại gì cho họ…. Lúc này bạn hoàn toàn đi suy nghĩ cho người kia mà quên luôn họ đang nói xấu bạn. Khi hoàn thành bước này, bạn lại thấy thương, thấy tội nghiệp cho họ, chỉ vậy thôi.
  4. Dùng biện pháp mạnh khi cần: Cuộc đời không phải thiên đường nên vẫn còn nhiều kẻ ác. Vâng, ác chứ không phải xấu bình thường nữa. Nghĩa là khi bạn đã phớt lờ, lặng im, thông cảm mà họ vẫn cứ làm tới, làm hoài. Có thể họ bị sai khiến hay là nguyên nhân nào khác nhưng họ không chịu buông tha bạn mà vẫn tiếp tục đặt điều nói xấu, bôi nhọ danh dự bạn thì tốt nhất là bạn lẳng lặng thu thập chứng cứ và kiện ra tòa. Xin nhớ nguyên tắc đầu tiên là đừng tranh cãi với họ làm chi vô ích nhé. Hy vọng bạn không bao giờ phải dùng đến bước này.
Theo Phật giáo, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nề nhất mà một người có thể tạo ra. Vết thương bạn gây ra trên thân thể người khác còn có ngày lành, còn vết thương gây ra do lời nói thì chẳng biết khi nào mới lành lặn được. Hãy cẩn trọng với lời nói của mình, đừng gây ra thị phi vì vô ý thức, cũng đừng nên vì một ai đó đã gây ra lỗi lầm trong quá khứ mà dùng lời lẽ nặng nề để hành hạ họ, như Oscar Wilde có nói:
“Every saint has a past, every sinner has a future.”
Nghĩa là: “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, và tội đồ nào cũng có một tương lai.”
Chúng ta đều là người, chẳng ai hoàn hảo. Hãy tha thứ và nhìn nhau bằng những mặt tốt đẹp, hãy khen tặng và động viên nhau để cùng phát triển chứ đừng trù dập, mỉa mai nhau. Bạn chẳng thể nào cao hơn chỉ bằng việc đạp người khác xuống đâu. Xin được kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện của Socrates mà tôi rất tâm đắc:
Chuyện gì nên nói?
Nguời hàng xóm đến gặp Socrates.- “Này ông Socrates ơi, ông có nghe chuyện này chưa?”
- “Khoan đã!” -Socrates ngắt lời người hàng xóm- “Anh có chắc rằng tất cả những gì anh sắp kể cho tôi đều đúng sự thật không?”
- “Ồ… cũng không chắc nữa. Tôi chỉ nghe người ta kể lại thôi.”
- “Thế à, Vậy chúng ta không cần quan tâm đến nó trừ phi nó là một chuyện tốt. Đó có phải là một chuyện tốt không?”-Socrates hỏi.
-”À không, không tốt. Đây là một chuyện xấu.”
- “Chà, anh có nghĩ tôi cần phải biết chuyện ấy để giúp ngăn ngừa những điều không hay cho người khác không?”
- “Ờ, ờ… quả thực cũng không cần lắm,”- Người hàng xóm trả lời.
“Tốt lắm,”- Socrates kết luận - “Vậy thì chúng ta hãy quên nó đi, bạn nhé. Còn có vô số chuyện đáng giá hơn trong đời sống. Chúng ta không thể mất công bận tâm tới những chuyện tầm phào, những chuyện vừa không đúng, vừa không tốt, vừa không cần thiết cho ai.”
Chúc bạn luôn an lành, và mong bạn để người xung quanh được an lành.

Nguyễn Huỳnh Nhất Bảo
28/7/2014

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

Không chẳng thể bị thương

Woman-Warrior

Chào các bạn,
Làm sao để trái tim của chúng ta luôn bình an và đầy yêu thương trong một thế giới đầy nhiễu loạn và đao kiếm?
Nói đến đao kiếm tự nhiên mình nghĩ đến hình ảnh một kiếm sĩ múa bài Mai Hoa Kiếm vùn vụt, kiếm điểm như những hoa mai lấp lánh trên không, tiếng kiếm chém gió vun vút, những chiếc lá vàng dưới đất xoay tròn theo gió kiếm.

Kiếm sĩ ngừng tay. Ngàn cánh mai biến mất. Vòng lá vàng ngừng xoay. Mặt kiếm sĩ lấm tấm mồ hôi.
Và Không trung chẳng bị một thương tích nào, chẳng thay đổi một chút nào, sau hàng trăm nhát chém. Bầu Không khí vẫn mát mẻ yên ắng như trước.
Đã là Không thì chẳng đao kiếm nào có thể làm gì được.
Nếu lòng ta Không chấp vào bất kì điều gì, thì chẳng đao kiếm nào có thể tổn thương ta được.
Có tiền nhưng Không chấp vào tiền
Có danh dự nhưng Không chấp vào danh dự
Có địa vị nhưng Không chấp vào địa vị
Có tình nhưng Không chấp vào tình
Có sắc đẹp nhưng Không chấp vào sắc đẹp
Có tài sản nhưng sẵn sàng làm ăn mày
Có đời sống nhưng sẵn sàng chết

Nếu Không chấp như thế, thì đao kiếm nào có thể làm cho ta gãy?
Có mà Không chấp, Không có mà Không chấp. Đó là, Có mà là Không, Không mà là Có.
Chữ Không thật là mầu nhiệm. Chữ Không làm cho một người tầm thường trở thành thánh nhân.
Các bạn, nhiều kinh sách lý luận về chữ Không điên cả cái đầu. Nhưng bạn không cần suy nghĩ gì cả. Bạn chỉ cần sống Không chấp vào đâu, Không chấp vào điều gì, thì bạn sẽ hiểu Không rất rõ.
Có thì có thể có mọi thứ. Nhưng chấp thì Không chấp vào thứ nào. Giản dị thế.
Ưng vô sở trụ. Không trụ (chấp) vào nơi đâu.
Vậy thì không còn đao kiếm nào có thể gây thương tích khổ đau cho bạn.
Chúc các bạn luôn nhẹ nhàng như Không.
Mến,
Hoành
© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com

Phạm Thu Hường
Em cảm ơn anh, em cảm nhận được tự do tuyệt đối chỉ trong một từ Không (sau khi tìm kiếm và theo đuổi rất nhiều từ Có ^^).
Em cảm nhận là: “Có mà Không chấp” cần bản lĩnh với chính mình, “Không có mà Không chấp” cần bản lĩnh trong liên hệ với người khác (vì áp lực xã hội là phải Có danh, tài, lực,…), nhưng nếu mình có tự tin trong tâm linh thì sẽ vượt qua được những áp lực đó.
Cảm ơn câu chúc “nhẹ nhàng như Không” của anh ạ :)
Em Hường

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

“Sử dụng” cảm xúc và vui buồn sướng khổ

Bích Tâm (Diễn Ngôn)
 
Nếu các bạn làm một động tác tìm kiếm trên google với cụm từ “quản lý cảm xúc” thì trong vòng 0,16 giây bạn có được 530.000 kết quả. Nếu tìm kiếm trên amazone với cụm từ này thì sẽ thấy 6.303 cuốn sách (chưa kể những cuốn sách khác có thể về nội dung đó nhưng không đặt trực tiếp tựa đề là quản lý cảm xúc). Có vẻ như xã hội phát triển, nhịp sống nhanh hơn, nhiều tương tác hơn thì những vấn đề liên quan đến cảm xúc cũng xuất hiện nhiều hơn và người ta cần học cách quản lý nó. Còn một lý do nữa mà quản lý cảm xúc là một chủ đề nóng bởi cảm xúc là thứ tác động ngay đến hành động tiếp theo của chúng ta.






“Sử dụng” cảm xúc và vui buồn sướng khổ

Vậy thế nào là quản lý cảm xúc? Quản lý cảm xúc liệu có phải là giết chết cảm xúc tiêu cực hay có phải là không thể hiện cảm xúc? Có một câu nói rằng, “Bạn không thể quyết định là bạn cảm thấy như thế nào nhưng bạn có thể quyết định là mình làm gì với cảm xúc đó” vậy thì liệu có phải “quản lý cảm xúc” là chỉ khi có cảm xúc rồi thì học cách quản lý nó hay quản lý cảm xúc còn là chủ động tạo ra những cảm xúc cần thiết? 
Để quản lý được cảm xúc, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một câu chuyện. Chuyện này xảy ra trong một toa tàu với một người đàn ông đi cùng 3 đứa trẻ. Cùng trong toa có thêm một số hành khách khác. Tàu chuyển bánh được một lúc thì những đứa trẻ bắt đầu la hét, đánh nhau, dành nhau đồ chơi v.v. gây ra rất nhiều tiếng ồn ào. Trong khi đó người đàn ông là cha của 3 đứa trẻ thì chỉ nhắc nhưng khi những đứa trẻ không nghe thì người cha cũng không làm gì thêm. Hành khách rất khó chịu. Lúc đầu họ quay sang nhìn và có ý nhắc người cha, một số người hắng giọng, trở mình trên ghế, lấy khăn bịt qua đầu để che cả tai v.v. Sau một hồi tỏ thái độ và không thấy có chuyển biến, những đứa trẻ vẫn tiếp tục la hét, một hành khách đứng phắt dậy, tiến đến chỗ người cha và lớn tiếng rất tức giận “ông có nhận thấy là các con mình đang làm phiền người khác không? ông cố tình để con mình làm loạn lên. Nếu ông không quản lý được con chúng tôi buộc sẽ phải mời người quản lý trên tàu đến để giải quyết”. Ngay lập tức, những người khác cũng nhao nhao lên tiếng tỏ vẻ bất bình. Người cha, ngước mắt lên và chậm rãi nói: tôi rất xin lỗi đã làm phiền các vị. Vợ tôi mới mất vì tai nạn cách đây 5 ngày và giờ tôi đang phải đưa các cháu về gửi bà Ngoại một thời gian. Các cháu đang bị khủng hoảng vì Mẹ ra đi đột ngột và bản thân tôi cũng vậy nên tôi không biết phải làm thế nào. Người hành khách vừa lên tiếng gay gắt sững lại vài giây rồi quay về chỗ ngồi và quay lại với một túi bánh nhỏ đưa cho lũ trẻ. Những người còn lại trên toa tàu cũng thay đổi hẳn thái độ, khi những đứa trẻ la hét, một vài người đến gần, bày một số trò cho chúng chơi cùng v.v.


Câu hỏi đặt ra là điều gì đã làm thay đổi cảm xúc của những người hành khách từ tức giận sang yêu thương và sẻ chia? Đó là vì họ đã có những câu chuyện khác lý giải hành vi làm ồn của tụi trẻ. Lúc mới lên tàu, khi chứng kiến lũ trẻ la hét, câu chuyện mà những hành khách khác có trong đầu có thể là “lũ trẻ hư, người cha quá nuông chiều, không tôn trọng những người xung quanh” chính cái chi tiết “không tôn trọng” trong câu chuyện họ phát triển trong đầu đã làm cho nhóm hành khách này thấy bị xúc phạm và tức giận. Sau khi nghe giải thích của người cha, họ có một câu chuyện khác, một câu chuyện về những đứa trẻ đang trải qua khủng hoảng và cần được giúp đỡ, và câu chuyện này đã tạo ra trong họ cảm xúc thương cảm và muốn làm gì đó giúp.


Như vậy là cảm xúc tạo ra bởi những câu chuyện chúng ta tự kể trong đầu khi chứng kiến những hành động hoặc trải qua những sự kiện nhất định nào đó. Những sự kiện, con số, những gì xảy ra là khách quan nhưng cách chúng ta chọn chi tiết và sắp xếp chúng lại rồi đặt cho những chi tiết đó một ý nghĩa nào đó thì lại là chủ quan của chúng ta. Điều đó lý giải vì sao cùng trải qua một sự việc nhưng cảm xúc của mọi người lại có thể rất khác nhau. Ví dụ cùng đọc tin về việc xả lũ ở miền Trung làm hàng chục người chết và mất tích nhưng có thể có những người hoàn toàn không bị tác động gì (câu chuyện họ có chỉ là việc xảy ra ở miền Trung, đâu phải Hà Nội), có những người thấy thương cảm, muốn làm gì đó cho để giúp những nạn nhân (vì trong câu chuyện của họ có nước mắt của những người mất đi người thân), có những người sẽ thấy tức giận với những đơn vị xây nhà máy thủy điện và quản lý đập (câu chuyện của họ có cả những thông tin về việc xả lũ đúng vào ngày mưa ngập, xả lũ đột ngột nên người dân không kịp xoay sở, xây đập tràn lan).


Có lẽ quản lý cảm xúc theo kiểu “làm gì khi nóng giận” v.v đã được nói tới nhiều rồi, chia sẻ nhiều rồi. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn đưa thêm một cách nhìn nữa về quản lý cảm xúc là hãy biết chắt lọc thông tin cho những câu chuyện tự kể để tạo ra những cảm xúc đúng đắn cho những hành động phù hợp. Hãy tìm ý nghĩ của mỗi thực hành văn hóa để xúc động trước cái đẹp của những nền văn hóa khác nhau và hành động tiếp theo là bảo vệ cái đẹp, tôn vinh sự đa dạng. Hãy đặt câu hỏi phản biện trước những sự thật tưởng như là hiển nhiên để có thể biết tức giận, bất bình trước những bất công rồi từ đó biết lên tiếng bảo vệ cho sự công bằng. Và hãy biết xấu hổ khi một lần không thực hiện đúng trọng trách dẫn đến một quyết định sai lầm để dũng cảm sống đúng là mình và để sau này không phải nói rằng “tôi rất ân hận”.


Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Từ tâm


Vài người bạn nói với tôi rằng trong khi tình yêu và lòng từ thật tuyệt vời và tốt đẹp, các đức tính đó thật ra chẳng liên can gì đến ta. Thể giới của chúng ta, họ nói, không phải là nơi những đức tính đó có ảnh hưởng và quyền lực. Họ cho rằng, sự giận dữ và hận thù là phần rất thiết yếu của bản chất con người, đến nỗi nhân loại sẽ luôn luôn bị thống trị bởi giận dữ và hận thù. Tôi không đồng ý với quan điểm này.
.
Con người chúng ta tồn tại trong tình trạng như hiện nay đã khoảng một trăm ngàn năm. Tôi tin rằng, trong khoảng thời gian này, nếu nhân tâm chủ yếu bị chi phối bới giận dữ và hận thù, nhân số chúng ta sẽ giảm. Nhưng ngày nay, dù có chiến tranh, dân số thế giới cao hơn bao giờ hết. Điều này cho tôi thấy, trong khi giận dữ và gây gổ chắc chắn có, tình yêu và lòng từ thống trị thế giới. Đó cũng là lý do tại sao mà cái chúng ta gọi là “tin tức” thường gồm các tin không vui hay bi thảm; các hoạt động đầy tình thương là phần lớn của cuộc sống hàng ngày nên các hoạt động đó được coi là đương nhiên và do đó thường bị lờ đi.
.
helpinghand


…Chúng ta, suy cho cùng, là các động vật mang tính xã hội. Nếu chẳng có tình bạn giữa con người, nụ cười của con người, cuộc đời chúng ta sẽ trở nên đau khổ. Sự cô đơn sẽ trở nên ngoài sức chịu đựng. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa người và người là một quy luật tự nhiên, tức là, theo quy luật đó, chúng ta phụ thuộc vào nhau để sống. Nếu, trong tình cảnh nào đó, bởi vì có điều gì không ổn trong lòng chúng ta, thái độ của chúng ta đối với anh em đồng loại, mà chúng ta phụ thuộc, trở nên thù đich, thì làm sao chúng ta có thể hy vọng có được sự thanh bình trong tâm hay một cuộc sống hạnh phúc? Theo bản tính tự nhiên của con người hay luật tự nhiên, phụ thuộc lẫn nhau – cho và nhận tình nhân ái – là chìa khóa của hạnh phúc.

(From The Compassionate Life by Tenzin Gyatso, the Fourteenth Dalai Lama.
Trích từ Đời Sống Từ Ni của Dat Lai Lat Ma thứ 14.
Nguyến Minh Hiển dịch)

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Tâm linh là thực hành

Chào các bạn,

Năm 18 tuổi mình bắt đầu làm quen với Phật triết khi học triết lý đông phương ở Đại học Văn khoa Sài Gòn (mà ngày nay gọi là Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn) trên đường Đinh Tiên Hoàng. (Mình có nhiều kỷ niệm đáng yêu ở đó, nên nhắc đến trường là muốn kể chuyện. Nhưng phải dành khi khác vậy).
Vào thời đó các điểm chính của Phật pháp như là vô thường, vô chấp, vô trụ, sắc không không sắc (Bát Nhã Tâm Kinh) mình đều biết hết và có thể nói nghe rất uyên bác và xôm tụ, nhưng mình cũng biết rất rõ là mình không hiểu gì cả, điều gì cũng mờ mờ ảo ảo trong đầu, suy nghĩ nhức cả đầu mà không thấy sáng hơn chút nào. Chỉ có một điều tốt là trong những năm đó mình chẳng bao giờ nói về Phật pháp và không hề dùng từ ngữ để khoa trương là “tôi biết”.

Cho đến năm 40 tuổi, mình nghiên cứu lại kinh sách nhà Phật và lần này mọi sự bỗng nhiên hiện ra trong đầu mình rõ như 2 cộng 2 là 4. Mình hiểu ra là lý thuyết nhà Phật chỉ hiểu được khi mình đã trải qua rất nhiều kinh nghiệm đời.
Rồi mình nghĩ lại, “Tại sao các thầy của mình ngày trước, là các thầy rất nổi tiếng, lại không thể giải thích cho mình hiểu được, dù mình đọc sách của các vị rất kỹ, các vị viết rất dễ hiểu, và mình là học trò thông minh?”.
“Làm sao để mình có thể nói về Phật pháp để các vị còn trẻ như mình ngày xưa hiểu được Phật pháp?”
Và từ kinh nghiệm của mình, mình nhận ra rằng sở dĩ ngày trước mình không hiểu vì mình đọc sách như là lý thuyết và cố gắng hiểu như là lý thuyết và lý luận. Nhưng Phật pháp là sống thực. Phải sống Phật pháp thì mới hiểu Phật pháp. Ngày xưa, tất cả các thầy viết sách mà mình đọc, đều có một lỗi rất lớn là không nói cho học trò biết “Phật pháp là sống. Phải sống mới hiểu. Đọc mà không sống, thì không thể hiểu.” Cho nên đại đa số học trò, đọc Phật pháp như là một loại kiến thức khoa bảng, nghĩ rằng Phật pháp có thể hiểu được qua ngôn từ, càng đọc càng giỏi. Chính vì vậy mà có rất ít người học Phật pháp mà hiểu được.
Phật pháp là một môn nghệ thuật sống. Như tất cả mọi môn nghệ thuật khác—âm nhạc, hội họa, nấu nướng, vũ, võ, yoga—lý thuyết chiếm 1/100 của môn học, phần thực hành chiếm 99%. Thực hành càng lâu mình càng giỏi và càng khám phá ra nhiều bí ẩn mà các tôn sư đã nói nhưng chẳng mấy ai hiểu.
Cho nên mỗi khái niệm Phật pháp, bạn phải sống với nó. Vô thường, thì sống với đời vô thường, xem đổi thay là chuyện hiển nhiên và sống tự tại với vô thường. Vô chấp thì đừng bám vào đâu, mặc dù có thể bám mọi nơi. Vô ngã thì sống với cái nhìn mọi thứ là Không (nhất thiết pháp giai Không) kể cả chính mình. Tĩnh lặng thì tập sống với kinh nghiệm không có điều gì làm mặt hồ của mình xung động dù là một hòn đá nhỏ cũng làm cho mặt hồ của mình rung động. Từ tâm (yêu người) thì tập từ tâm với tất cả mọi chúng sinh, vô điều kiện…
Vấn đề của thế giới chúng ta là chúng ta thích nói pháp hơn là hành pháp. Phật pháp kì diệu, nhưng ta chỉ thấy được các điều kì diệu khi ta thực hành Phật pháp nghiêm chỉnh.
Và mình cũng có thể nói về Thánh kinh y hệt như mình nói về Phật pháp như thế.
Chúc các bạn luôn tinh tấn.
Mến,
Hoành
© copyright 2014
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com